Trước đó, từ năm 2021 đến 2022, hơn 81.400 cây Mấm, Bần đã được chương trình Hạnh Phúc Xanh triển khai trồng thành công tại khu vực bãi bồi ven biển xã Lạc Hòa, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, chương trình vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc, giám sát và bảo vệ 18,5ha rừng cũ, đồng thời tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng địa phương trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn.
Rừng ngập mặn thuộc dự án Forest Symphony (Giao hưởng rừng xanh) tại Sóc Trăng
Dốc sức vì những cánh rừng khỏe
Báo cáo dự án tháng 12/2022 đã ghi nhận, hoạt động trồng và chăm sóc rừng trồng năm 2021 (8,5 ha) có tỷ lệ sống đạt 80% và rừng trồng năm 2022 (10 ha) có tỷ lệ sống đạt 92% (tính đến thời điểm tháng 11/2022). Đây đều là những chỉ số rất cao, bởi ngay từ khi triển khai, trong từng khâu chọn lựa cây giống, trồng và chăm sóc cây trồng, những người thực hiện dự án đều có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng phương thức thực hiện.
Những cây Mấm được chăm sóc kỹ lưỡng, cắm rễ sâu và phát triển khỏe mạnh
Theo Tiến sĩ Lâm nghiệp Trương Văn Vinh, Cố vấn kỹ thuật dự án Forest Symphony tại Sóc Trăng: “Một cánh rừng khỏe là một cánh rừng có khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái như: tạo sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào rừng; bảo vệ và ngăn chặn những tác động của thiên nhiên như bão lũ, sóng biển, sạt lở đường bờ… đến đời sống của cộng đồng; tạo môi trường sống trong lành, giữ và lọc nước; bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng người dân địa phương.”
“Trồng rừng đã khó, bảo vệ rừng còn khó gấp vạn lần”. Chính từ những nhận thức sâu sắc về sứ mệnh trồng, chăm sóc và bảo vệ một cánh rừng khỏe, sau khi trồng, dự án đã triển khai chăm sóc rừng rất sát sao. Cứ đều đặn 2 ngày/lần, 2 nhân công sẽ tiến hành chăm sóc rừng: gỡ rác vướng vào cây, dựng lại cây nếu cây bật gốc, buộc lại cọc chống, và bổ sung thêm cọc nếu cọc bị cuốn trôi, gãy. Với những cây phát triển tốt nhưng bị tác động nhiều bởi sóng, gió, sẽ được tiến hành tỉa bớt cành lá để giảm bề mặt tác động. Vào giai đoạn cao điểm như ảnh hưởng bão, biển động, mùa gió chướng, dự án gia tăng việc chăm sóc hằng ngày, số lượng nhân công sẽ tăng lên 3-4 người, đồng thời tăng tần suất chăm sóc rừng.
Để bảo vệ cây trồng, ngoài việc mỗi cây được chống 03 cọc le, dự án còn xây dựng hệ thống tường rào mềm 2 lớp bằng tre bao quanh khu vực trồng. Tường rào cũng được gia cố hằng năm để tăng tuổi thọ và đảm bảo chức năng bảo vệ rừng. Mỗi 06 tháng kể từ thời điểm trồng, dự án tiến hành đo sinh trưởng của cây trồng để theo dõi tốc độ sinh trưởng của rừng.
Hệ thống tường rào mềm 2 lớp bằng tre bao quanh khu vực trồng được gia cố hằng năm
Hạnh Phúc Xanh còn chủ động thực hiện các nghiên cứu và thử nghiệm khoa học nhằm gia tăng hiểu, biết của cộng đồng về vai trò của rừng ngập mặn, đánh giá được tác động của dự án tại khu vực triển khai. Dự án còn thực nghiệm giải pháp phun chế phẩm sinh học NOLASUB cho cây con vào giai đoạn đầu mới trồng giúp cây con được bén rễ và bám đất sớm, giảm bớt tác động của sóng, gió gây bật gốc, cuốn trôi; ứng dụng các mô hình, giải pháp mới như lắp đặt hệ thống quan trắc thời tiết tại ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa giúp theo dõi tình hình thời tiết tại khu vực, từ đó có cách ứng phó nhanh chóng và tăng hiệu quả trong hoạt động trồng và chăm sóc rừng.
Sự kỹ lưỡng và tận tâm với những cánh rừng của Hạnh Phúc Xanh khiến người “chiến binh già” với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng rừng ngập mặn Sóc Trăng – chú Sơn Túp phải thốt lên rằng: “Hạnh phúc là trồng rừng kỹ nhất”.
“Lợi ích rừng ngập mặn thật sự rất to lớn. Bản thân tôi theo học ngành Lâm Nghiệp, cùng với những tầm nhìn, mục tiêu của Quỹ Sống và chương trình Hạnh Phúc Xanh, tôi ý thức rõ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phải được triển khai thật hiệu quả, đúng quy trình, minh bạch kết quả. Muốn “trồng rừng, vững đất”, chúng tôi phải luôn tìm cách tối ưu quy trình, ứng phó với những rủi ro thiên nhiên thật hiệu quả, tích cực thử nghiệm những ý tưởng mới” – anh Ngô Văn Bắc, Điều phối viên dự án Forest Symphony tại Sóc Trăng cho biết.
“Một cây khỏe, triệu người vui”
Có lẽ với những người thực hiện dự án “Giao hưởng rừng xanh” tại Sóc Trăng, niềm vui khi nhìn được thấy 18,5ha rừng cắm rễ sâu khỏe mạnh, tiên phong vươn mình lấn biển là cảm xúc không gì diễn tả được.
“Thật sự 3 năm trồng rừng tại Sóc Trăng gặp muôn vàn khó khăn, vất vả và hồi hộp, lo lắng: Đâu đó là mùa gió chướng, lũ bùn, độ mặn tăng cao, thời tiết thiên tai bất thường, cây không thở được… nhưng rồi dự án đã vượt qua tất cả với sự chung tay của cộng đồng tại địa phương. Đến thời điểm hiện tại khi quay trở lại những cánh rừng, nhìn thấy những ha rừng xanh tốt và chen đua nhau phát triển, thật sự mình rất xúc động. Biết bao gian nan, khó khăn và nỗ lực hằng ngày của toàn đội dự án để chăm bẵm và nâng niu từng em bé Mấm lớn lên từng ngày đã nhận được thành quả.” – anh Trần Vũ Khánh Linh, Quản lý kỹ thuật của Hạnh Phúc Xanh tự hào chia sẻ.
Chú Kim Nạng, người dân tại Xã Lạc Hòa, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng và cũng là thành viên của tổ đội trồng rừng Hạnh Phúc Xanh không giấu được niềm hy vọng gửi gắm vào những cánh rừng khỏe mạnh: “Nếu không có rừng thì nước lớn, sạt lở đê. Không có rừng ngập mặn thì không có đất bồi lên, đất bồi lên chắn mưa, chắn gió. Rừng lớn này nước tan hết, không có tác động vào trong bờ. Trồng rừng ngập mặn để cho đất bồi lên, có hải sản cho dân bắt ốc với ba khía, thòi lòi với cua, đủ thứ cá kéo vô hết trơn, có rừng này thì dân làm ăn được”.
“Với những gì đã làm được, chúng tôi mong muốn sẽ lan tỏa được cảm hứng đến cộng đồng xung quanh, tăng sự kết nối giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, từ đó thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên”, anh Bắc chia sẻ thêm.
Là chương trình nhận được đông đảo sự ủng hộ và góp sức từ cộng đồng, Hạnh Phúc Xanh hiểu rằng sứ mệnh của mình là trồng, bảo vệ và chăm sóc những cánh rừng nơi đây để những cây Mấm khỏe mạnh vươn lên, lấn ra biển, từ đó góp phần tạo sinh kế bền vững, che chở và bảo vệ cộng đồng người dân địa phương trước những tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.
Lấy cảm hứng sâu sắc từ chủ đề Ngày Quốc Tế Rừng năm nay: “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”, Hạnh Phúc Xanh mở ra chiến dịch “Trồng rừng vững đất 2023” với thông điệp “Một cây khỏe, triệu người vui”, đặt mục tiêu phủ xanh thêm 10ha bãi bồi ven biển xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (tương đương 44.000 cây) trong năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu này, Hạnh Phúc Xanh cần bạn chung tay góp sức.
Với 90.000 đồng, bạn có thể chung tay cùng Quỹ Sống trồng thêm một cây Mấm, cây Bần để phủ xanh bãi bồi, góp phần bảo vệ và dựng xây một tương lai bền vững cho hơn 7000 người dân Vĩnh Châu, Sóc Trăng và Đồng bằng sông Cửu Long thân thương – mảnh đất vẫn đang đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng khốc liệt!
HẾT
Để tham khảo thêm chi tiết thông tin, Quý Báo/ Đài vui lòng liên hệ:
Trần Mỹ Hằng (Ms.)
Trưởng phòng Phát triển và Truyền thông Quỹ Sống
Số điện thoại: 0782 801 615
Email: hang.tran@shrt.asia
Hoặc
Hotline: 0914 191 513
Email: gayquy@shrt.asia
Thông tin chung:
“Hạnh Phúc Xanh” là một chương trình phát triển cộng đồng, tập trung trồng và khuyến khích cộng đồng trồng cây nhằm tăng không gian xanh trong đô thị; phục hồi rừng; tăng sự kết nối giữa con người với con người, con người với tự nhiên và với chính mình, từ đó thúc đẩy lối sống khiêm nhường, hài hòa với tự nhiên.
Quỹ Sống (tên đầy đủ là Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững) quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng các cộng đồng an toàn, hướng đến cuộc sống hài hoà, bền vững giữa con người, thiên nhiên và văn hoá bản địa. Quỹ thành lập vào ngày ngày 07 tháng 11 năm 2018 dựa trên quyết định số 2470/QĐ/BNV của Bộ Nội vụ.
Chương trình Hạnh Phúc Xanh phối hợp cùng UBND Tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng kêu gọi cộng đồng cùng tham gia dự án “Giao hưởng rừng xanh” Forest Symphony Sóc Trăng chung tay trồng rừng trên 50ha đất bãi bồi tại xã lạc Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Với mục đích gia tăng diện tích rừng; tạo hành lang chắn sóng để bảo vệ đê, giảm sạt lở; góp phần ngăn chặn xâm nhập mặn và tạo điều kiện phát triển sinh kế dưới tán rừng cho người dân địa phương.
Chiến dịch “Trồng rừng vững đất” là chiến dịch gây quỹ cộng đồng cho dự án “Giao hưởng rừng xanh” (Forest Symphony) Sóc Trăng. Năm 2023, chiến dịch kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp 10ha tương đương 44.000 cây cho rừng ngập mặn.
Thông về dự án trồng rừng ngập mặn tại Sóc Trăng :
Nước mắt đồng bằng
Gần 6 năm nay, người dân đồng bằng sông Cửu Long mòn mỏi chờ mùa lũ từ thượng nguồn. Nhưng lũ không về, phù sa cũng không về nữa. Thay vào đó, mực nước biển dâng kèm sóng lớn gây sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trầm trọng. Theo báo của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn vùng đồng bằng có đến 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 450km.
Tình trạng hạn mặn lại còn khốc liệt hơn cả việc sạt lở. Kênh rạch cạn trơ đáy, đồng ruộng khô cằn, từng can nước ngọt được chắt chiu chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Người dân chỉ biết mong mưa, mong thiên nhiên sẽ thôi đừng khắc nghiệt.
Sự trù phú của miền Tây giờ đây chỉ còn trong câu hát, điệu hò. Sẽ chẳng còn phù sa, chẳng còn nguồn tài nguyên trù phú, chỉ còn hạn – mặn, sạt lở nghiêm trọng kéo dài. Thứ duy nhất còn đeo đẳng người miền Tây là những món nợ ngân hàng ngày một nặng trĩu. Một ngày, hết hy vọng, họ bỏ ruộng vườn ra đi tứ xứ, chỉ còn những giọt nước mắt đã cạn khô,…
Người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng không ngoại lệ, họ đang phải đối mặt với những bất lợi kép từ thiên tai. Sự ảnh hưởng và tàn phá của hạn mặn với việc sản xuất của nông dân Sóc Trăng là chưa thể thống kê đầy đủ được. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, hạn mặn đã làm hơn 12 ngàn ha lúa của người dân Sóc Trăng bị ảnh hưởng, trong đó có gần 2.000 ha lúa trổ đòng bị chết vì khô hạn và nước mặn xâm nhập.
Ngoài thiệt hại về lúa do khô hạn, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có bờ biển dài trên 40km, hàng năm, tuyến đê biển của thị xã luôn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, những con sóng dữ cũng liên tục tàn phá các tuyến đê bao, trước sự gia cố và khắc phục nhỏ bé của sức người, thiên tai đang làm cho cuộc sống của người dân đứng trước muôn vàn khó khăn. Đây cũng là địa bàn xung yếu của tỉnh Sóc Trăng trong công tác phòng chống lụt bão, cần được chú trọng bảo vệ.
Trồng rừng ngập mặn, tạo vành đai xanh phòng hộ ven bờ biển là một trong những giải pháp cần được thực hiện ngay lúc này!
Rừng ngập mặn có tác dụng giúp bảo vệ bờ biển, phòng chống sạt lở nhờ các hệ thống rễ khổng lồ có hiệu quả trong việc tiêu tán năng lượng sóng và tăng diện tích đất bằng cách bồi đắp các bãi bồi do sông mang vào để bảo vệ các khu vực ven biển khỏi xói mòn, nước dâng do bão (đặc biệt là trong cơn bão). Rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển tốt hơn 5 lần so với các công trình bê tông đê điều. Rừng ngập mặn có khả năng lưu giữ CO2 cao gấp 3-5 lần so với rừng nhiệt đới, tạo đệm sinh thái phòng ngừa xâm nhập mặn, giảm tác động biến đổi khí hậu. 2-5 hecta rừng ngập mặn có khả năng xử lý nước thải của 1 hecta nuôi trồng thủy sản. Rừng ngập mặn còn cung cấp thức ăn và môi trường sống cho các loài động vật. Hơn 3.000 loài cá được tìm thấy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Từ đó, còn tạo thêm nguồn lợi thuỷ sản và việc làm cho người dân trong khu vực.
Về dự án Forest Symphony – Hợp phần trồng rừng ngập mặn tại Sóc Trăng
Với mục đích tăng diện tích rừng ngập mặn góp phần bảo vệ đời sống và sinh kế của cộng đồng địa phương trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại khu vực. Dự án Forest Symphony Sóc Trăng của Hạnh Phúc Xanh với mục tiêu trồng 50ha rừng ngập mặn từ năm 2020 – 2025.
Trong đó, chiến dịch gây quỹ “Trồng rừng vững đất” năm 2020 và 2022 đã nhận được sự chung tay mạnh mẽ từ cộng đồng, thành công trồng 81,400 cây Mấm trắng, Bần tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng.