Nông nghiệp là ngành dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu

Tại hội thảo “Tạo giá trị chung thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào?” diễn ra vào ngày 16/08 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn & Phát triển Quỹ Sống đã chia sẻ một câu chuyện rất đời thường về biến đổi khí hậu: “Tôi có một ông chú làm nghề nuôi ong. Những năm gần đây, hạn hán nhiều sản lượng mật và tổng đàn ong giảm. Ông chia sẻ với tôi rằng thời tiết thất thường khiến các mùa hoa thay đổi, có năm chẳng có hoa nên ông đành phải đem đàn ong lên rừng để lấy mật. Từ đó ông nhận thức được tầm quan trọng của rừng và muốn cùng cộng đồng trồng thêm cây để rừng xanh tốt.”

 

Biến đổi khí hậu không chừa một ngành nghề nào. Trong đó nông nghiệp là lĩnh vực phải chịu tác động nặng nề nhất. Cụ thể, theo kịch bản của Viện Tài Nguyên Thế giới, nếu mực nước biển tăng thêm 1 mét, tình trạng lũ lụt sẽ khiến 40% đất canh tác tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể trồng trọt được. Nắng nóng kéo dài cũng sẽ khiến cho năng suất lao động của các doanh nghiệp giảm sút. Nhận định về tác động của biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Đỗ Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Đại học Nông Lâm TP.HCM bày tỏ sự lo ngại: “Nếu nhiệt độ tăng thêm 3 độ, sản lượng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có thể sụt giảm từ 20% - 30%.”

Nhận thức được những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nhiều doanh nghiệp đã tìm cho mình một hướng đi mới. Trong đó, mô hình “tạo giá trị chung - CSV” đang được nhiều đơn vị nghiên cứu và tích hợp vào chiến lược kinh doanh dài hạn. Đề cập tới một ví dụ điển hình trong việc áp dụng mô hình này, Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam chia sẻ: “Một ví dụ điển hình của việc áp dụng CSV là hình thức truy xuất nguồn gốc giữa các bên. Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ giúp cho doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng và siết chặt khâu quản lý dữ liệu trồng trọt. Các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh không chỉ có lợi cho người nông dân vì giá trị lợi nhuận cao mà còn đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính.”

 

Tại hội thảo “Tạo giá trị chung thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào?”, các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng đã cùng thống nhất cùng chung tay hành động giúp Việt Nam hướng đến net-zero trong năm 2050.

Mô hình CSV không chỉ áp dụng trong nông nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác. Trong những năm gần đây rất nhiều doanh nghiệp hiện đang chọn phương thức tiếp cận theo mô hình CSV trong chiến lược kinh doanh của mình như Dear Klairs, Grab, Hewlett-Packard Việt Nam (HP Việt Nam)... 

#SốngFoundation, #NhàChốngLũ, #Social_Impact_Business, #CSV

Chúng tôi đang hành động
vì thiên tai và biến đổi khí hậu

Xem thêm các bài viết khác