Tuyển dụng Chuyên gia tư vấn cho Hoạt động Khảo sát điều tra Voọc chà vá chân đen tại Thuận Nam, Ninh Thuận

THÔNG TIN CHUNG CỦA DỰ ÁN

  1. Tên dự án

Mô hình trồng rừng góp phần gia tăng đa dạng sinh học nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho Voọc Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) tại khu vực lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

  1. Quy mô và địa điểm thực hiện

Dự án thực hiện trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam gồm 20 tiểu khu: 200a, 200b, 200c, 200d, 201a, 201b, 201c, 201d, 204, 205a, 205b, 206a, 206b, 207, 208, 209, 210, 211, 212 và 213, với tổng diện tích là 13.574 ha; thuộc địa bàn 5 xã: Phước Diêm, Cà Ná, Phước Minh, Phước Nam và Phước Dinh huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

  1. Tính cấp thiết

Trong quá trình thực hiện các dự án trồng rừng tại Ninh Thuận, Hạnh Phúc Xanh (HPX) nhận ra rằng việc trồng rừng với mô hình đa loài, đa tầng tán, nó không chỉ có ý nghĩa trong việc góp phần gia tăng độ che phủ rừng mà còn góp phần bảo tồn các loài cây bản địa đồng thời tăng sự đa dạng sinh học tại khu vực. Trong năm 2021, HPX đã thực hiện trồng rừng tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và nhận thấy có rất  nhiều cá thể Voọc chà vá chân đen  (Pygathrix nigripes)  là một trong những loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và Campuchia, được đưa vào trong danh mục sách đỏ IUCN, mức cực kỳ nguy cấp đang sinh sống tại khu vực này. Theo báo cáo nhanh vào năm 2019 của Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam có đến hơn 200 cá thể Voọc chà vá chân đen đang phân bố rải rác trên 8 tiểu khu thuộc lâm phần của Ban thuộc trên 5 xã: Phước Diêm, Cà ná, Phước Dinh, Phước Nam và Phước Minh. Xét về mặt nghiên cứu, thì đây là số lượng lớn cần được quan tâm, tuy nhiên tại đơn vị vẫn chưa có sự nghiên cứu hoặc bảo tồn nào về loài này.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu cùng với sự phát triển hạ tầng kinh tế xã hội tại khu vực, đồng thời điều kiện khí hậu tại địa phương lại vô cùng khắc nghiệt đã làm suy giảm môi trường sống và nguồn thức ăn của các loài động vật trong đó có loài Voọc chà vá chân đen. Hạnh Phúc Xanh nhận ra việc trồng rừng kết hợp với việc gia tăng nguồn thức ăn cho các loài động vật nơi đây đặc biệt là loài Voọc chà vá chân đen là hết sức cần thiết.

  1. Mục đích của dự án

Góp phần gia tăng tính đa dạng sinh học và nguồn thức ăn của loài Voọc chà vá chân đen tại khu vực.

  1. Mục tiêu

Điều tra, khảo sát và đánh giá về số lượng cá thể, khu vực phân bố, thành phần loài thức ăn và danh mục thực vật loài thức ăn của Voọc chà vá chân đen.

NỘI DUNG YÊU CẦU

  1. Nội dung công việc

- Lập phiếu phỏng vấn thông tin về loài Voọc chà vá chân đen tại địa phương và tiến hành phỏng vấn ngoài thực địa;

- Điều tra, khảo sát và đánh giá về số lượng cá thể, khu vực phân bố, thành phần loài thức ăn của loài Voọc chà vá chân đen;

- Điều tra, khảo sát thực vật là thức ăn của loài Voọc chà vá chân đen tại Thuận Nam, đồng thời xác định tối thiểu 03 loài cây cần thiết để trồng nhằm tăng nguồn thức ăn cho loài Voọc;

- Viết báo cáo kết quả điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng loài Voọc chà vá chân đen và 01 danh mục thực vật là thức ăn của loài Voọc, đồng thời xác định tối thiểu 03 loài cây trồng để tăng nguồn thức ăn cho loài Voọc tại Thuận Nam;

- Xây dựng 01 bản đồ hiện trạng khu vực phân bố của loài Voọc chà vá chân đen và khu vực có khả năng trồng rừng làm nguồn thức ăn cho Voọc chà vá chân đen tại Thuận Nam.

  1. Sản phẩm bàn giao

- 01 báo cáo kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá;

- 01 danh mục các loài thực vật là thức ăn của Voọc;

- 01 bản đồ hiện trạng khu vực phân bố của loài Voọc;

- Bộ hình ảnh về loài Voọc chà vá chân đen tại khu vực khảo sát.

  1. Thời gian, địa điểm thực hiện

Thời gian: Từ tháng 6 – 11/2023.

Địa điểm thực hiện: Lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

  1. Yêu cầu năng lực tư vấn

- Có kinh nghiệm về điều tra linh trưởng đặc biệt loài Voọc chà vá chân đen;

- Có chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu động, thực vật rừng, sử dụng các phần mềm và phân tích xử lý số liệu;

HỒ SƠ VÀ LIÊN HỆ

Hồ sơ bao gồm: 01 hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn, 01 bản thuyết minh đề cương  và 01 bản chi tiết kinh phí thực hiện gửi tới Bùi Thị Mai Phương (Điều phối viên dự án Forest symphony Ninh Thuận) theo: 

Email: phuong.bui@song.org.vn, ĐT: 0969.05.2727

Thời hạn: Trước ngày 31/5/2023.

Trân trọng./.

GIỚI THIỆU DỰ ÁN

Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững (gọi tắt là Quỹ Sống bền vững), được cấp phép hoạt động theo Quyết định số 2470/QĐ-BNV ngày 07/11/2018 của Bộ Nội vụ Việt Nam. Quỹ Sống bền vững là quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích tham gia hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, giúp họ có được cuộc sống an toàn, ổn định và phát triển cộng đồng bền vững.

Chương trình Hạnh Phúc Xanh thuộc Quỹ Sống bền vững hiện đang triển khai dự án Giao hưởng rừng xanh - Forest Symphony tại tỉnh Sóc Trăng và Ninh Thuận. Chương trình Hạnh Phúc Xanh tập trung vào trồng cây nhằm góp phần gia tăng độ che phủ rừng, tăng diện tích có rừng, bên cạnh đó Hạnh Phúc Xanh cũng áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tăng cường công tác quản lý giám sát và bảo vệ rừng tại địa phương.





Chúng tôi đang hành đông
vì thiên tai và biến đổi khí hậu

Xem thêm các bài viết khác